Những ưu nhược điểm của máy xét nghiệm sinh hóa tự động AU480

Nói đến máy xét nghiệm sinh hóa tự động chắc chắn không thể không nhắc tới hãng Beckman Coulter trong đó nổi bật là các dòng máy sinh hóa tự động AU. Đây là  một trong các thương hiệu hàng đầu thế giới về sinh hóa tự động. Tại Việt Nam tính đến năm 2016 đã có tới gần 600 máy với các model từ AU 400 đến AU 5800 được lắp đặt tại gần như tất cả các bệnh viện từ tuyến huyện đến tuyến trung ương và các phòng khám lớn. Vậy điều gì đã làm nên sự thành công của hãng cũng như nhận được sự tin tưởng của khách hàng. Đó chính là chất lượng của thiết bị. Thiết bị có thể hoạt động bền bỉ, liên tục và kết quả thì luôn luôn ổn định trong một thời gian dài. Tuy nhiên, mặc dù thiết bị rất tốt xong bên cạnh cũng còn một số hạn chế nhỏ. Vì vậy nếu các bạn đang có ý định sử dụng hệ thống máy xét nghiệm tự động này hãy đọc qua bài viết của chúng tôi để thấy được các ưu nhược điểm của nó. Trong bài viết này chúng tôi chỉ tập chung vào dòng máy AU480, đây là dòng máy cỡ trung bình, phù hợp với các phòng khám, bệnh viện nhỏ và vừa. Với các bệnh viện lớn AU480 chỉ dùng hỗ trợ cùng các hệ thống khác để chạy một số xét nghiệm đặc biệt và xét nghiệm cấp cứu vì công suất chưa đủ lớn cho tất cả xét nghiệm thường quy.

Xem thêm: Những ưu nhược điểm của máy xét nghiệm sinh hóa tự động Roche Cobas C311

I. Về ưu điểm.

1. Thương hiệu xuất xứ:

AU 480 là thương hiệu của Hãng Beckman Coulter – Mỹ. Hãng Beckman Coulter đã mua lại lĩnh vực sinh hóa với Olympus (Nhật Bản) vào năm 2009 và lấy luôn thương hiệu các máy sinh hóa là AU (AU400, AU640, AU480, AU680, Au 2700, AU5800). Thiết bị đạt đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế như ISO, tiêu chuẩn châu Âu CE… nên hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm.

2. Số lượng xét nghiệm:

Danh mục xét nghiệm có thể triển khai lên tới 125 xét nghiệm. 60 xét nghiệm quang học và 3 xét nghiệm điện giải có thể chạy đồng thời. Như vậy cho thấy máy hoàn toàn đáp ứng gần như đầy đủ các kỹ thuật sinh hóa hiện nay.

3. Tốc độ xét nghiệm:

Máy có thể chạy 400 xét nghiệm quang/giờ và lên đến 800 xét nghiệm/giờ nếu kèm điện giải. Thời gian nhanh nhất cho 1 xét nghiệm khoảng 5 phút, tối đa khoảng >8 phút. Như vậy với một phòng xét nghiệm khoảng trên dưới 200 bệnh nhân xét nghiệm/ ngày thì máy hoàn toàn đáp ứng nhu cầu.

4. Hóa chất

AU 480 là dòng máy sử dụng hóa chất mở. Tức là bạn có thể dùng hóa chất của chính hãng hoặc dùng hóa chất của nhà cung cấp khác mà vẫn chạy được. Đây là ưu điểm so với một số hãng máy sinh hóa tự động khác khi không bó buộc hóa chất, không bị độc quyền trong cung cấp hóa chất.

5. Cuvette đo:

AU480 sử dụng hệ thống cuvette bằng thạch anh vĩnh cửu. Chúng tôi đánh giá cao công nghệ này. Cuvette thạch anh ngoài độ bền vĩnh cửu còn rất trong, cho ánh sáng đi qua tối ưu giúp kết quả đo chính xác. Đây chính là điểm mạnh được kế thừa từ Olympus.

6. Công nghệ buồng ủ:

Sử dụng công nghệ ủ nước cách ly giúp ổn định nhiệt tốt hơn và không phải bảo trì cuvette như phương pháp ủ nước trực tiếp của một số hãng.

7. Bệnh phẩm:

Huyết thanh, huyết tương, nước tiểu và các loại dịch khác. Lượng mẫu ít chỉ từ Từ 1,0 – 25 µL. Có cơ chế phát hiện tắc và đặc biệt hiển thị được chất lượng huyết thanh (mỡ máu, tan máu, huyết thanh vàng).

8. Hệ thống quang học

Sử dụng công nghệ Halogen với 13 bước sóng khác nhau trải dài từ 340 – 800nm. Cho phép dải đo rộng, đo được từ nồng độ rất thấp đến rất cao, hạn chế việc kết quả không đo được hoặc phải pha loãng mẫu. Sử dụng nhiều phương pháp đo như: Phân tích điểm cuối, động học, động học 2 điểm, điện cực chọn lọc gián tiếp (ISE).

9. Phương pháp chuẩn (Calibration):

Tự động hiệu chuẩn, hiệu chuẩn nâng cao, vị trí đặt chất chuẩn được làm lạnh, đường chuẩn mặc định được xác định bởi mã vạch 2 chiều. Có khả năng cài đặt được 200 loại chất chuẩn. Lưu trữ đồ thị hiệu chuẩn đã được thực hiện

10. Phương pháp kiểm tra chất lượng (QC)

Tuân theo luật Westgard, Twin Plot và đồ thị Levey Jennings, tự động QC, có vị trí trữ lạnh cho QC. Có khả năng lập trình được 100 loại QC và có thể phân tích 10 mức QC cho mỗi xét nghiệm.

II. Nhược điểm

Bên cạnh những ưu điểm hệ thống AU 480 còn tồn tại một số nhược điểm sau:

1. Hóa chất mở:

Được nhà sản xuất coi là ưu điểm so với các hãng khác khi nó có thể tạo sự thuân tiện cho khác hàng vì dùng được nhiều hãng hóa chất nhưng thực tế đây cũng là nhược điểm.

Thứ nhất: Hóa chất chính hãng luôn là tốt nhất, người dùng tìm đến hóa chất khác chỉ khi tính toán đến lợi nhuận vì hóa chất ngoài luôn rẻ hơn. Như vậy khi dùng hóa chất ngoài đồng nghĩa chất lượng kết quả xét nghiệm sẽ không được đảm bảo như dùng hóa chất chính hãng.

Thứ 2: Cách đóng gói hóa chất theo dạng mở (tính bằng ml) và có thể đổ thêm nên một số hóa chất sẽ kém ổn định, dễ bị biến đổi. Ví dụ hay gặp nhất là hóa chất Creatinin và Protein, cứ sau vài ngày sử dụng, hóa chất sẽ bị biến đổi, làm kết qủa tăng hoặc giảm theo 1 xu hướng. Do đó phải chuẩn lại thường xuyên.

2. Phương pháp trộn mẫu.

AU 480 sử dụng hệ thống trộn mẫu bằng que khuấy, mặc dù que khuấy được rửa liên tục nhưng khó tránh việc nhiễm chéo mẫu.

3. Cuvette đo khá đắt.

Vì cuvette sử dụng là loại thủy tinh vĩnh cửu nên khá đắt, vì một lý do nào đó mà cuvette bị vỡ hoặc hỏng thì chi phí thay thế là rất cao. Nhưng nói chung hiếm khi phải thay cuvette.

4. Chất lượng điện giải:

Phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng nguồn nước. Do đó nếu chất lượng nước cấp cho máy kém thì xét nghiệm điện giải sẽ cho kết quả không ổn định. Để hạn chế bạn cần sử dụng hệ thống lọc nước thật tốt và định kỳ thay thế lõi lọc theo yêu cầu của nhà sản xuất.

Trên đây là một số các ưu nhược điểm của hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa tự động AU 480. Xét một cách tổng quát đây là một dòng máy tốt, rất đáng sử dụng. Nếu có điều kiện bạn nên trang bị cho phòng xét nghiệm mình hệ thống này. Bạn có đang sử dụng thiết bị này không? Hãy chia sẻ với chúng tôi và bạn đọc khác thêm những ưu nhược điểm của nó.

Nguồn: Phòng truyền thông Medical Việt Nam

Viết bình luận