Máy chụp nhũ ảnh - Cơ bản về máy chụp X quang vú - Mammography

1. Chụp nhũ ảnh là gì ?
Chụp nhũ ảnh là một kỹ thuật chụp X quang dành cho tuyến vú, được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý tuyến vú ở phụ nữ. Cũng như các kỹ thuật chụp X quang khác, nhũ ảnh cũng dùng chùm tia X chiếu xuyên qua tuyến vú để ghi hình ảnh của tuyến vú lên phim. Tuy nhiên trong nhũ ảnh chùm tia X thường dùng là chùm tia có cường độ thấp và bước sóng dài hơn.Hện nay nhũ ảnh là một trong những phương tiện quan trọng và hiệu quả để tầm soát và chẩn đoán sớm ung thư vú.
Những thế hệ máy chụp x quang vú hiện nay có liều chiếu xạ khá thấp với liều khoảng 0,1 đến 0,2 Rad một lần chụp. Những nghiên cứu về phóng xạ đã chứng minh liều chụp x quang vú là an toàn và không hề tăng nguy cơ ung thư vú.

2. Phân loại nhũ ảnh
Nhũ ảnh được phân thành 2 loại : Nhũ ảnh tầm soát và nhũ ảnh chẩn đoán.
Nhũ ảnh tầm soát: chỉ định ở những phụ nữ không có triệu chứng gì ở vú nhằm mục đích phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm, do đó nhũ ảnh tầm soát thường chỉ chỉ định ở những phụ nữ trên 35 – 40 tuổi và định kỳ chụp nhũ ảnh mỗi 1- 2 năm / 1lần . Đó là vì ở lứa tuổi này nguy cơ ung thư vú tăng lên. Lúc này mô tuyến vú cũng thoái hóa dần, mô tuyến giảm đi, thay vào đó là mô mỡ, thuận lợi hơn cho việc chụp và đọc kết quả nhũ ảnh.
Nhũ ảnh chẩn đoán: chỉ định ở những phụ nữ có những triệu chứng bất thường ở vú như nổi bướu, nổi cục trong vú, co kéo núm vú, tiết dịch núm vú v.v..

3. Nguyên lý chụp nhũ ảnh.
Nguyên lý chụp nhũ ảnh tương tự như các kỹ thuật chụp X quang khác : Tia X -> Bệnh nhân -> Film/Tấm nhận ảnh -> Hiển thị.


4. Quy trình chụp nhũ ảnh
Bệnh nhân sẽ ngồi trước máy chụp, đặt vú của mình lên một mặt phẳng, sau đó sẽ có một tấm plastic phẳng và trong đè lên bên trên để ép chặt vú của bệnh nhân. Việc ép chặt tuyến vú nhằm những mục đích sau:
 - Giúp dàn mỏng tuyến vú ra như thế mô tuyến vú sẽ quan sát được nhiều hơn.
- Dàn mỏng tuyến vú cũng giúp phát hiện những bất thường nhất là những sang thương nhỏ dễ dàng hơn.
- Chỉ phải dùng chùm tia X cường độ thấp, giảm nguy cơ do tia X gây ra cho cơ thể.
- Giữ chặt tuyến vú, tránh bị nhòe ảnh khi chụp.
Vì không có một tư thế nào có thể chụp hết được tòan bộ tuyến vú do đó sẽ có nhiều tư thế để chụp nhũ ảnh để lấy được hình ảnh đầy đủ của tuyến vú.
- Chụp tư thế trên dưới: nghĩa là chùm tia X sẽ đi từ trên xuống dưới, xuyên qua tuyến vú
- Chụp tư thế bên: nghĩa là chùm tia X sẽ đi từ một bên qua, từ trái sang phải hoặc ngược lại tùy theo vú bên nào.
- Chụp tư thế chếch bên: chùm tia đi chếch từ góc trên ngoài của vú xuống

5.Những tổn thương cơ bản trên phim chụp X quang tuyến vú.
5.1 Vôi hóa: Có hai kiểu vôi hóa chính
+ Vôi hóa lớn: là những nốt vôi hóa thấy rõ trên phim chụp với kích thước đo được. Thông thường những vôi hóa này là kết quả của vôi hóa động mạch, chấn thương hoặc viêm cũ và không ác tính. Vôi hóa lớn khá thường gặp ở phụ nữ trên 50 tuổi với tỷ lệ khoảng 50% mà không cần sinh thiết.
+ Vôi hóa nhỏ: là những chấm vôi hóa giống như đầu kim, có thể đứng riêng lẻ hoặc từng đám. Kiểu vôi hóa này đáng ngại hơn vôi hóa lớn vì thường là vôi hóa ác tính. Tuy nhiên để chỉ định sinh thiết cần phải phân tích kỹ các đặc điểm của vôi hóa nhỏ, chỉ với những vôi hóa nhỏ nghi ngờ ung thư mới cần phải sinh thiết.

5.2 Khối tăng đậm độ: khối tăng đậm độ trên phim chụp x quang vú có thể đi kèm hoặc không đi kèm vôi hóa. Rất nhiều bất thường đều thể hiện bằng một khối trên phim x quang bao gồm nang vú hay khối đặc lành tính (nhân xơ vú). Nang tuyến vú là thường gặp nhất trong các nốt đậm độ trên phim chụp vú thường quy.
+ Nang tuyến vú: thường là hình tăng đậm độ đồng nhất với bờ viền nhẵn. Nang hoặc u tuyến đều có thể sờ thấy ngoài da và có hình thái gần giống nhau trên phim x quang. Khi đó cần nhờ đến siêu âm để phân biệt hai dạng tổn thương trên.
+ Một khối đặc: thường kèm theo bờ viền thùy múi, không đều. Một số hình thái nghi ngờ trên x quang sẽ cần chỉ định sinh thiết.
Khi đọc kết quả chụp vú, phim chụp x quang cũ là rất quan trọng. Một số nốt tăng đậm độ hoặc vôi hóa nếu không thay đổi so với phim chụp cũ thường là lành tính mà không cần phải sinh thiết.

6. Những lưu ý trước khi chụp nhũ ảnh
Ở phụ nữ chưa mãn kinh chụp nhũ ảnh nên được thực hiện vào thời điểm 1 tuần sau khi dứt kinh. Vào thời điểm này nồng độ estrogen trong máu giảm xuống, tuyến vú bớt giữ nước và bớt căng hơn, do đó dễ quan sát hơn khi ghi hình
Nếu bạn đã phẫu thuật nâng ngực và có đặt túi độn ngực thì bạn hãy báo cho bác sĩ
Đừng sử dụng nước hoa, lotion, kem hoặc phấn vào vùng ngực và nách trước khi chụp nhũ ảnh vì điều này có thể gây những hình ảnh giả trên phim hay che lấp những tổn thương, làm sai lệch kết quả nhũ ảnh.

7. Ưu điểm của chụp X quang vú.

- Nhũ ảnh hỗ trợ phát hiện những khối bướu nhỏ ở vú. Với ung thư, điều này rất có ý nghĩa vì khi phát hiện bướu ác tính lúc nó còn nhỏ, còn ở giai đoạn sớm thì khả năng điều trị khỏi bệnh sẽ cao hơn.
- Hiện nay, chỉ có nhũ ảnh được chứng minh có hiệu quả trong phát hiện những ung thư vú tại chỗ, đặc biệt là loại carcinôm ống tuyến vú tại chỗ, nghĩa là chưa xâm lấn. Với giai đoạn này khả năng trị khỏi hoàn toàn là rất cao và trong đa số trường hợp có thể phẫu thuật bảo tồn tuyến vú cho người bệnh.
- Không gây nhiễm xạ cho người được chụp cũng như bệnh nhân, tia X trong chụp nhũ ảnh hầu như không gây tác hại gì.

8. Nhược điểm của chụp X quang vú.
- Chụp x quang vú không khẳng định được vùng bất thường trên phim x quang là ung thư hay không. Để khẳng định ung thư vú từ vùng nghi ngờ trên phim chụp x quang cần phải làm sinh thiết.
- X quang vú khó tiến hành trên người có vú tạo hình (đặt túi nước, bơm silicon…). Trên bệnh nhân vú tạo hình, việc phiên giải kết quả chụp sẽ khó hơn trên vú bình thường và cần một số tư thế chụp đặc biệt để bộc lộ hết nhu mô tuyến vú.
- X quang vú không phải hoàn hảo cho người có tuyến vú dày. Tuyến vú dày tạo thành đám tăng đậm độ trên x quang và có thể che lấp tổn thương vú vốn cũng là vùng tăng đậm độ khu trú. Tuyến vú dày thường gặp ở người có thai, cho con bú hoặc một số phụ nữ trẻ.
- Trong những trường hợp khó với x quang nói trên, phương tiện bổ sung cho x quang vú là siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ.

Viết bình luận